Phù tá Lý Chánh Kỉ Lý_Nạp

Lý Nạp chào đời vào năm 758 dưới thời vua Túc Tông nhà Đường. Phụ thân của ông là Lý Hoài Ngọc, về sau đổi tên là Lý Chánh Kỉ, vốn xuất thân từ Cao Câu Ly, về sau phục vụ dưới quyền tiết độ sứ Bình Lư Vương Huyền Chí và sau đó là Hầu Hi Dật[2][3]. Do Hầu Hi Dật bị các tướng dưới quyền bất mãn và trục xuất năm 766[4], Lý Chánh Kỉ được ủng hộ làm Tiết độ sứ ở Bình Lư, lúc này gọi là Tri Thanh. Trong thời gian tại vị, Chánh Kỉ liên kết với Điền Thừa Tự ở Ngụy Bác[5], Lý Bảo Thần ở Thành Đức[6]Lương Sùng Nghĩa ở Sơn Nam Đông Đạo[7] mưu đồ li khai, đem chức vị truyền cho tử tôn. Để thắt chặt quan hệ, các trấn bàn việc hôn nhân, trong đó Lý Bảo ThầnLý Chánh Kỉ kết thông gia, Bảo Thần gả con gái mình cho Lý Nạp, sinh ra Lý Sư Đạo. Trấn Bình Lư về cơ bản là bán độc lập với triều đình nhà Đường[8].

Khi Lý Nạp còn nhỏ, nhân Lý Chánh Kỉ đem quân hỗ trợ triều đình chống sự xâm lược của Thổ Phiên vào mỗi mùa thu, từng cho Lý Nạp làm đại tướng chỉ huy. Ông được vào Trường An yết kiến vua Đại Tông, được bái Điện trung thừa kiêm Thị ngự sử, ban tử kim ngư đại; sau là Lịch kiểm giáo thương bộ lang trung kiêm Tổng phụ binh, Tri châu thứ sử[4]. Khi Lý Chánh Kỉ đem quân hỗ trợ triều đình chống lại Tiết độ sứ Ngụy Bác Điền Thừa Tự năm 775, giao cho ông làm Tiết độ quan sát lưu hậu. Sau Lý Chánh Kỉ dời phủ từ Thanh Châu[9] đến đất mới là Vận châu vừa chiếm được từ Biện Tống[10], đã dời Lý Nạp làm Thứ sử Thanh châu, coi giữ phủ cũ, lại phong Hành quân tư mã, kiêm thứ sử Tào châu; rồi Tào, Bộc, Từ, Duyện, Nghi, Hải lưu hậu, gia Ngự sử đại phu.

Mùa xuân năm 781, Lý Bảo Thần ở Thành Đức qua đời, con là Lý Duy Nhạc tự lĩnh quân vụ ở Thành Đức, triều đình không công nhận. Do vậy, Lý Duy Nhạc liên kết với Lý Chánh Kỉ cùng Điền Duyệt (kế tục Điền Thừa Tự) và Lương Sùng Nghĩa tập hợp lực lượng chuẩn bị kháng Đường[11]. Không bao lâu sau, Lý Chánh Kỉ qua đời, Lý Nạp giấu việc không báo tang đến mấy tháng, lại gửi quân cứu trợ cho Ngụy, Triệu cùng phản kháng triều đình. Đến mùa thu, ông mới phát tang cha và sai sứ đến triều đình xin tiết viết, vua Đức Tông không nghe[12]. Do vậy ông cử quân tấn công trấn Tuyên Vũ do triều đình kiểm soát[13], chính thức ra mặt làm phản.